Thẩm định giá tài sản vô hình

Định giá thương hiệu và tài sản vô hình trong M&A

Ngày đăng: 29/03/2016

Những câu chuyện M&A gần đây của các thương hiệu Việt nổi tiếng được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao bất ngờ, chẳng hạn như Phở 24 (khoảng 20 triệu USD) và ICP (trên 60 triệu USD), đặt ra nhiều câu hỏi rằng làm thế nào mà những thương hiệu này lại được định giá cao đến thế trong khi tổng giá trị tài sản hữu hình của chúng lại thấp hơn nhiều mức giá đó. Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng, phần lớn giá trị mà các công ty này nắm giữ được đóng góp từ thương hiệu và tài sản vô hình, hơn là từ tài sản hữu hình.
 

 Gia tăng nhận biết

Bản chất của tài sản vô hình là không “hữu hình”, sờ mó hay

cân đo đong đến một cách chính xác được, nhưng lại mang đến lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp. Chúng bao gồm các bằng sáng chế, độc quyền, nhãn hiệu, thương hiệu, giấy phép nhượng quyền, giấy phép nhà nước, và sự tín nhiệm đối với thương hiệu đó. Dưới góc độ là 1 loại tài sản, mức độ đóng góp và tỉ lệ của tài sản vô hình trong doanh nghiệp đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng từ phía các chuyên gia và học giả.  Tổng giá trị tài sản vô hình của các công ty S&P500  tăng một cách đáng kể, chiếm từ từ 38 % tổng tài sản vào năm 1982 đến 62 % vào năm 1992, trong khi giá trị trên sổ sách của các công ty này lại giảm từ 62 % xuống còn 38% trong cùng thời điểm.

 Mặc dù giá trị của tài sản vô hình khá cao, nhưng hầu như chúng chưa được phản ánh trong các sổ sách kế toán. Các doanh nghiệp chưa thể tận dụng được giá trị của các tài sản vô hình vì phải tuân thủ theo những quy tắc kế toán một các nghiêm ngặt. Hệ quả là hầu hết các công ty đều thất bại trong việc thiết lập giá trị thực cho các tài sản vô hình của họ, kéo theo việc tính toán sai lệch trong khả năng thu hồi đầu tư. Trong số các tài sản vô hình, thương hiệu đóng một vai trò chính yếu. Không còn nghi ngờ gì về giá trị của các thương hiệu nổi tiếng như Phở 24 hay dầu gội đầu X-men (sở hữu bởi ICP) nếu nhìn trên sản phẩm và mức độ nhận biết của các thương hiệu này. Mặc dù doanh nghiệp Việt nhận biết được giá trị của tài sản thương hiệu, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về việc thương hiệu và các tài sản vô hình đươc định giá như thế nào trong mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

 Định giá thương hiệu và tài sản vô hình

Cách định giá tài thương hiệu và tài sản vô hình cũng tương tự như định giá tài sản hữu hình, trong đó có 3 cách tiếp cận thông thường nhất là: dựa vào chi phí (cost approach), so sánh (comparable), và dự báo thu nhập trong tương lai (discount cash flow). Dù vậy, vẫn có những điểm khác, đặc biệt là ảnh hưởng của yếu tố bối cảnh (context) trong định giá tài sản vô hình quan trọng hơn rất nhiều so với định giá tài sản hữu hình. Mức độ thiếu chắc chắn trong việc xác định một cách hợp lý giá trị của tài sản vô hình là rất cao. Về bản chất, việc tính toán định giá chỉ mang tính tương đối, giá trị sẽ phụ thuộc nhiều vào mục đích, phương pháp và bối cảnh của việc định giá. Giá trị của thương hiệu và các tài sản vô hình khác nên được xác định và thong tin một cách rõ ràng để tránh các nhầm lẫn không đáng có.

Trong bài nghiên cứu gần đây của tôi về M&A giữa doanh nghiệp tư nhân Việt và nhà đầu tư nước ngoài, tôi phát hiện rằng các nhà đầu tư dùng tài sản vô hình và thương hiệu làm yếu tố quyết định giá trị doanh nghiệp, nhưng họ không đo lường chúng một cách riêng biệt. Thay vào đó, họ chỉ sử dụng chúng làm các yếu tố dự đoán dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai. Hơn nữa, tài sản vô hình và thương hiệu không thể giải thích được sự khác nhau giữa giá trị đầu tư và giá trị trong sổ sách. Trong trường hợp những thương hiệu nằm trong ngành hàng tiêu dùng như quạt Asia, Phở 24, dầu gội X-Men và Giấy Sài Gòn, chất lượng mạng lưới phân phối, kĩ năng lãnh đạo và tinh thần doanh nhân của chủ doanh nghiệp lại được nhà đầu tư quan tâm hơn. Cuối cùng, việc chốt giá bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bối cảnh giao dịch –một số yếu tố thường thấy như tình hình kinh tế, mức độ cạnh tranh giữa người mua, kĩ năng đàm phán của chủ doanh nghiệp và động lực của cả người mua lẫn người bán. Những phát hiện của tôi chỉ ra rằng, ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, quy trình định giá thương hiệu và tài sản vô hình còn có sự tham gia của các yếu tố phi tài chính khác. Do vậy, việc định giá doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh và không thể được đo lường hay tính toán dựa trên các phương pháp được thảo luận trong các lý thuyết phổ thông về tài chính kế toán hiện nay.

 Tài sản vô hình sẽ chỉ có giá trị nếu chúng có thể tạo ra hay đóng góp vào việc tạo ra dòng tiền. Doanh nghiệp nên chủ động xác định các tài sản vô hình có giá trị để quản lý và thông tin qua các báo cáo khi kêu gọi nhà đầu tư. Do đó, việc dùng đến một bên thứ ba cho việc chuẩn bị và biên soạn các báo cáo về tài sản vô hình đóng góp thêm cho việc định giá tài sản vô hình và thương hiệu. Điều này khá đúng với các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mà các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tài sản vô hình hơn là hữu hình.

Ý nghĩa cho nhà quản lý và chủ doanh nghiệp

Thương hiệu và tài sản vô hình là những tài sản đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của một doanh nghiệp trong tương lai, đóng góp vào tổng giá trị của công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ ở thị trường mới nổi như Việt Nam. Chủ doanh nghiệp và nhà quản lý của các doanh nghiệp tư nhân nên tập trung vào việc đầu tư cho tài sản vô hình và thương hiệu để thu hút nhà đầu tư và gia tăng giá trị của doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào các chiến lược lợi nhuận ngắn hạn như hiện nay. Các công ty nên chú ý đến những tài sản vô hình được quan tâm và đánh giá bởi nhà đầu tư, đặc biệt là các tài sản vô hình liên quan đến người tiêu dùng như thương hiệu, mạng lưới phân phối hay tài lãnh đạo của cấp quản lý. Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng chủ doanh nghiệp và quản lý nên chuẩn bị kĩ khi thực hiện giao dịch với nhà đầu tư nhằm đảm bảo đạt được mức định giá hợp lý. Cụ thể hơn, cả hai nên hiểu rõ về quy trình M&A và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình định giá, bao gồm có các báo cáo về thương hiệu và tài sản vô hình, công thêm kĩ năng đàm phán của họ.

 Doanh nghiệp Việt nên cân nhắc cả bối cảnh vĩ mô khi thực hiện giao dịch M&A, bởi kêu gọi nhà đầu tư trong tình hình kinh tế khả quan, điều kiện vốn dễ thở sẽ góp phần làm tăng giá trị của tài sản vô hình. Chủ doanh nghiệp cần phải xây dựng một đội ngũ lãnh đạo dày dặn và gắn bó lâu dài để đảm bảo rằng đây chính là nguồn tài sản con người của doanh nghiệp; đảm bảo tài sản cụ thể của doanh nghiệp chứ không phải “nhân tài” chung chung, cơ động, thiếu sự cam kết. Nếu điều này được thực hiện, doanh nghiệp cùng với thương hiệu và tài sản vô hình của nó sẽ được đánh giá cao hơn bởi nhà đầu tư trong các giao dịch M&A.

Tác giả: Nguyễn Trung Thẳng, PhD

Chia sẻ bài viết

Support 24/7

Mr Hải
0936 057 636
Mr Thắng
0936 740 787